Lên chiến khu Việt Bắc Vũ Đình Hòe

Năm 1946, ông đã rời Thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc, trên đường đi đã đi qua nhiều địa phương như: Sơn Tây, Việt Trì (Phú Thọ), đến thị xã Tuyên Quang.

Đến đầu năm 1948, Bộ Tư pháp chia làm hai: một bộ phận do ông Vũ Đình Hòe phụ trách (Cơ quan A), đến ở và làm việc tại chân núi Sáng trong thung lũng Vai Dâu, huyện Đại Từ, Thái Nguyên; một bộ phận do ông Trần Công Tường phụ trách (cơ quan B) đến ở và làm việc tại Bình Di, Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

Ngày 6/10/1949, Hội đồng Chính phủ họp và ra Nghị quyết về vấn đề củng cố văn phòng của các Bộ. Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, hai cơ quan của Bộ hợp thành một và chuyển đến thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Khi đó Vũ Đình Hòe có bí danh là Khiêm. Tại địa điểm này, ông đã ở, làm việc từ cuối năm 1949 đến tháng 9/1950. Do diễn biến của cuộc kháng chiến, theo yêu cầu của Chính phủ, tháng 9/1950, ông cùng Bộ Tư pháp đã rời thôn Mới, xã Minh Thanh ngược dòng sông Lô lên Chiêm Hóa [2].

Năm 1957, ông là một trong số 29 thành viên Ban sửa đổi Hiến pháp do Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Ban này đã dự thảo ra Hiến pháp năm 1960.

Năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể (năm 1972 Hội đồng Bộ trưởng mới thành lập Ủy ban Pháp chế), ông chuyển về Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp. Từ trước Tết 1975, ông kết thúc các nhiệm vụ của mình và nghỉ hưu theo chế độ.